Thực trạng thị trường Logistic ở Việt Nam
Thống kê mới đây của Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có khoảng trên 1.300 DN logistics đang hoạt động, bao gồm cả DN có vốn nước ngoài. Các DN cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam hầu hết là những DN nhỏ và vừa.
Một số doanh nghiệp lớn như: Công ty Transimex Saigon, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Gemadept, Vietrans, Vietfracht… Dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện có quy mô khoảng 20-22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dịch vụ logistics trong những năm qua là từ 16 – 20%/năm.
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 16 – 20%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua.
Có thể thấy, ngành dịch vụ logistics đang phát triển nhanh và mạnh tại Việt Nam theo sự tăng trưởng của xuất nhập khẩu cũng như dịch vụ bán lẻ, phân phối. Muốn nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện dịch vụ, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, góp phần cắt giảm chi phí, giá thành, doanh nghiệp cần sử dụng các ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên trên thực tế, mức độ sử dụng ứng dụng, giải pháp công nghệ trong các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn rất thấp.