WebRTC – Tiềm năng và cơ hội phát triển
WebRTC (Web Real Time Communication) là tập hợp các tiêu chuẩn và giao thức cho phép các trình duyệt Web thực hiện trực tiếp các tính năng truyền thông đa phương tiện thời gian thực như gọi điện, tin nhắn hình, truyền dữ liệu bằng các API JavaScript.
Sơ lược lịch sử của WebRTC
Ý tưởng phát triển WebRTC được nhóm kỹ sư chịu trách nhiệm cho Google Hangouts đưa ra từ năm 2009. Vào thời gian đó, để truyền tải video, hình ảnh trên web thì người ta thường phải xài đến Flash. Nhóm kỹ sư Hangouts lại không muốn sử dụng công nghệ này, và họ bắt đầu tự làm một chuẩn riêng cho mình. Đến năm 2010, Google thâu tóm hai công ty On2 và Global IP Solutions (GIPS) để lấy công nghệ truyền dữ liệu thời gian thực làm nền tảng cho WebRTC về sau.
Vào tháng 5/2011, Google ra mắt một dự án nguồn mở dành cho việc giao tiếp thời gian thực giữa trình duyệt với nhau, và từ lúc này dự án mang tên WebRTC. Song song đó, Hiệp hội World Wide Web (W3C) và Hiệp hội Kĩ sư quốc tế (IETF) cũng đang phát triển một số giao thức để dùng cho việc việc kết nối thời gian thực, thế nên họ bắt tay nhau tiếp tục hoàn thiện để rồi quyết định kết hợp chung vào WebRTC.
Đến 27/10/2011, W3C ra mắt bản đầu tiên của WebRTC. Tháng 11/2011, Chrome 23 ra mắt, trở thành trình duyệt đầu tiên có tích hợp WebRTC ngay từ bên trong.
Tính phổ biến và tiềm năng phát triển
Tính đến thời điểm 2014, đã có trên 1 tỷ thiết bị đầu cuối hỗ trợ WebRTC, dự báo tăng lên 4 tỷ vào năm 2016, trong đó có khoảng 1,5 tỷ người dùng thường xuyên. WebRTC có thể hoạt động trên bất cứ thiết bị nào có cài một trong các trình duyệt hỗ trợ WebRTC.
Ở góc độ người lập trình, nếu không có WebRTC, việc tạo ra ứng dụng RTC đòi hỏi phải mất nhiều công sức từ việc lấy dữ liệu từ thiết bị camera, microphone đến việc thiết lập phiên, xử lý tín hiệu, truyền tín hiệu,… Nhưng với WebRTC, tất cả công việc để tạo ra một cuộc hội thoại chủ yếu thông qua các dòng code. Việc phát triển ứng dụng với chức năng gọi điện, video chat và chia sẻ file,.. là sự kết hợp giữa JavaScript và HTML5.
Ở góc độ người sử dụng, sử dụng WebRTC chỉ cần thông qua trình duyệt Web. Tính sẵn sàng cao cho phép thực hiện cuộc gọi mà không cần đăng ký tài khoản hay cài đặt thêm thành phần nào ngoài một trình duyệt có hỗ trợ WebRTC. Ví dụ, hai người dùng chỉ cần truy cập vào cùng một đường dẫn web để gọi video với nhau sử dụng trình duyệt Google Chrome hay Mozilla Firefox.
Các ứng dụng
Với các ưu điểm kể trên, WebRTC được sử dụng trong rất nhiều ứng dụng khác nhau để mang tới một cách kết nối đơn giản tiện lợi. WebRTC có thể tạo ra các webphone, ứng dụng hội nghị trực tuyến, chăm sóc khách hàng, hướng dẫn trực tuyến, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, tư vấn bảo hiểm, game, …
Ngày nay, hầu hết các công ty đều có Website cung cấp các thông tin và thường là điểm đầu tiên giúp khách hàng liên hệ với doanh nghiệp. Nếu khách hàng không tìm thấy đủ thông tin trên Website hoặc cần phản ánh một vấn đề liên quan đến sản phẩm thì họ chỉ có cách gọi điện thoại. Tuy nhiên, cách này có thể làm mất các ngữ cảnh trên website hay không mô tả rõ ràng được vấn đề. WebRTC có thể ứng dụng để giúp thực hiện cuộc gọi ngay trên Website và cho phép chia sẻ màn hình, từ đó các nhân viên hỗ trợ có thể nhanh chóng nhận ra và giải quyết vấn đề của khách hàng.
WebRTC có thể được sử dụng cho nhiều mục đích, từ việc truyền tải video, âm thanh cho đến gửi dữ liệu theo thời gian thực giữa hai hoặc nhiều thiết bị với nhau mà không nhất thiết phải đi qua server trung gian. Điều này giúp giảm độ trễ trong việc truyền tải, giảm độ phức tạp khi phát triển ứng dụng cũng như giảm chi phí vận hành.
Tạm kết
WebRTC là một công nghệ mạnh mẽ, mở ra hướng giải quyết cho rất nhiều ứng dụng mà trước đây không thể thực hiện được. WebRTC thực sự là công nghệ mang tính chất thay đổi cuộc chơi. Mặc dù hiện tại chỉ có Chrome, Firefox và Opera trên desktop, Chrome cho Android trên di động hỗ trợ WebRTC, nhưng Microsoft đã tuyên bố họ sẽ mang WebRTC vào trình duyệt IE trong tương lai.