Những nguy hại đến từ việc sử dụng Internet

Ngày nay, Internet đã trở thành một phần không thể thiêú trong cuộc sống hiện tại. Việc sử dụng Internet giúp tăng cường hiệu xuất công việc cũng như cải thiện được nhiều trải nghiệm khi dùng đến.

Tuy nhiên, môi trường Internet lại không an toàn tuyệt đối, vẫn có nhiều hình thức đánh lừa và bẫy người dùng để nhằm vào mục đích nào đó.

Việc hiểu, nhận diện và phòng tránh những mối nguy hại như vậy là kỹ năng cần biết ở thời đại Internet này.

Dưới đây là một số thủ đoạn mà kẻ gian thường xuyên sử dụng nhất để “bẫy” người dùng. Hãy cùng MITEK đọc thêm chi tiết ngay nhé!

1. Email lừa đảo

Email đã trở thành phương tiện liên lạc phổ biến của cư dân mạng hiện nay, nhưng đồng thời cũng là đích ngắm ưa thích của những kẻ lừa đảo qua mạng. Chúng thường gửi Email đến một lượng lớn người dùng và chờ đợi những “con mồi” cả tin sa chân vào cạm bẫy mà chúng giăng sẵn.

Một chiêu lừa khá phổ biến là gửi một Email thông báo trúng thưởng trong một cuộc thi trời ơi đất hỡi nào đó mà bạn thậm chí mới nghe tên lần đầu… Nên nhớ là không có bữa trưa nào miễn phí, những Email dạng này thường kèm theo các tệp tin chứa virus hoặc các đường link chứa mã độc. Nếu nhận được chúng, bạn đừng ngần ngại mà thả chúng vào mục Bin (thùng rác) của hòm thư, hoặc xóa luôn thì càng tốt.

Hãy tỉnh táo để nhận diện những Email tương tự bạn nhé!

2. Website và ứng dụng giả mạo

Một hình thức lừa đảo phổ biến khác là giả mạo một Website với giao diện giống hệt website gốc để chiếm đoạt tài khoản cá nhân, thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng… của người dùng. Website của các ngân hàng là địa chỉ thường xuyên bị giả mạo nhất, khi truy cập những Website này, người dùng được yêu cầu đăng nhập tài khoản và điền mật khẩu để tiến hành giao dịch. Nếu bạn trót nhập những thông tin này, kẻ gian sẽ sử dụng chúng để kiểm soát tài khoản của bạn, và chắc chắn bạn sẽ không muốn nghe tiếp những điều diễn ra tiếp theo.

Cách đơn giản nhất để phân biệt một Website ngân hàng giả mạo là căn cứ vào giao thức mà website sử dụng: nếu Website đó sử dụng giao thức ‘https:’, bạn có thể tạm yên tâm bởi giao thức này sẽ giữ an toàn cho bạn khi đang sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, thương mại điện tử và chống lừa đảo giả dạng (Phishing).

Ngoài ra, kẻ gian cũng thường làm giả các ứng dụng ngân hàng dành cho Smartphone/máy tính bảng và đánh cắp thông tin của người dùng theo cách tương tự. Trước khi tải các ứng dụng dạng này, bạn hãy kiểm tra tên của nhà phát triển (thường được ghi dưới tên ứng dụng trong cửa hàng ứng dụng trực tuyến), đồng thời đọc kỹ phản hồi của người dùng trong phần bình luận. Một điều cần nhớ nữa là bạn chỉ nên tải những ứng dụng ngân hàng từ các cửa hàng ứng dụng chính thức, tùy thuộc vào hệ điều hành bạn đang sử dụng.

3. Những giao dịch (có vẻ) béo bở

Nếu bắt gặp một món hàng có mức giá rẻ “giật mình”, bạn luôn cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi xuất quỹ. Một sản phẩm có thể có mức chiết khấu hấp dẫn, nhưng giảm tới 80-90% giá trị thực thì ta không thể không nghi ngờ mức độ xác thực của giao dịch này.

Ngoài ra bạn cũng cần chắc chắn về nguồn gốc món đồ mà bạn định mua vì hiện nay kẻ gian luôn sẵn sàng bán hàng “nhảy” (đồ ăn cắp), hoặc tệ hơn là hàng giả, hàng nhái. Do vậy, bạn hãy yêu cầu người bán cho bạn xem mọi giấy tờ hợp pháp trước khi tiến hành giao dịch.

4. Key logger

Key logger là một chương trình máy tính có khả năng theo dõi và ghi lại mọi thao tác được thực hiện trên bàn phím vào một tập tin nhật ký (Log) để người cài đặt nó sử dụng.

Một số phần mềm Key logger thế hệ mới còn có thể ghi lại cả các hình ảnh hiển thị trên màn hình bằng cách chụp hoặc quay phim màn hình, thậm chí còn ghi nhận cách con trỏ di chuyển.

Bằng cách này kẻ gian có thể lấy được thông tin đăng nhập, mật khẩu, dữ liệu cá nhân… hay bất cứ thông tin gì bạn nhập trên một chiếc máy tính đã cài sẵn Key logger.

Một quán cafe Internet, một chiếc máy tính công cộng đặt ở khách sạn, phòng chờ, thư viện… là những nơi mà kẻ gian có thể lợi dụng để cài đặt phần mềm nguy hiểm này.

Ngay cả khi bạn có kinh nghiệm sử dụng máy tính cũng rất khó phát hiện những phần mềm loại này. Do vậy nếu đang sử dụng một máy tính công cộng, tốt nhất bạn nên tránh gõ ra những thông tin nhạy cảm, hay ít ra hãy sử dụng bàn phím ảo được tích hợp sẵn trong hệ điều hành.

Trong Windows 8 bạn truy cập Start menu > All programs > accessories > ease of access > on-screen keyboard để mở bàn phím này.

5. Đánh cắp thông tin thẻ tín dụng qua điện thoại

Sẽ không có nhân viên ngân hàng nào gọi cho bạn để yêu cầu cung cấp thông tin về thẻ tín dụng, đấy là điều chắc chắn.

Do vậy nếu có bất cứ người nào tự nhận là nhân viên ngân hàng và yêu cầu bạn cung cấp những thông tin như vậy, từ chối thẳng thừng là cách tốt nhất để tránh những phiền phức không đáng có.


Để được tư vấn cụ thể hơn về giải pháp xin quý khách liên hệ:

  • Trang chủ: MITEK
  • Email:      contact@mitek.vn.
  • Đường dây nóng:  1900 1238